Insane
14:3302/06/24
Game mới và hót nhất
Thiên đường cá Online (bản đẹp 2012) Thiên đường cá Online (bản đẹp 2012)
Game nuôi cá ảo đỉnh cao. Bạn có đủ trìnhnuôi đến cá mập không?
Tải miễn phí
Hỗ trợ tất cả dòng máy
Truyện ngắn
 Anh Keng

Tác giả: Nguyễn Kiên
Năm Keng mười tám tuổi, ông Keng bắt đầu tính chuyện hỏi vợ cho anh. Liền trong hai năm, đánh tiếng ba đám, đều không được. Các cô gái không thích Keng, còn đối với ông Keng thì các cô sợ.
Quả thực ông Keng cũng có chỗ khác người. Ðầu tóc ông bao giờ cũng để dài, tóc chờm xuống gần kín cổ áo. Còn đầu tóc anh em Keng thì trọc, cắt bằng kéo, nham nhở như lông sâu róm. Thời kháng chiến, lính Tây hay về làng sục sạo, ông bảo: làm thế để đánh lừa thằng Tây. Nhưng bây giờ thằng Tây đã cuốn xéo rồi, việc gì còn phải đánh lừa ai? Chính là vì ông kiệt. Mái gà nhà ông đẻ, ông không bán trứng ở làng, sợ chỗ thân tình phải để rẻ. Bà Keng mang lên tận chợ huyện bán. Mười chín quả trứng, mỗi quả tám xu, vị chi một đồng năm hào hai xu, người mua bớt hai xu, còn một đồng rưỡi.
- Ðồ khôn nhà dại chợ, đã lên đến trên ấy, không bán được chín xu thì thôi chứ, của thêm vào chẳng có lại có của bào ra!
Bà vợ cãi:
- Dào, hai đồng xu thì làm gì, cũng coi như là tôi uống bát nước chè tươi...
Ông Keng quắc ngay mắt lên:
- Lại còn quạc cái mồm ra nữa à? Uống bát nước nó khác, nó bổ béo vào thân mình. Ðằng này đi ném ra chỗ giời ơi đất hỡi, dễ rồi người ta ơn đời mình đấy. Nay hai xu, mai hai xu...
Bà vợ im bặt. Trong nhà này người ta đã sống quen như thế, vợ con chỉ được quyền nghe, còn ông có quyền nói. Và người ta tin như thế là phải. Thì cứ xem, nó rành rành ra đấy: không nhờ ông mưu tính, xếp đặt, thu ha hà vén thử hỏi lấy đâu ra nhà gỗ, sân gạch, bể nước như thế này?
Ðối với các con, ông Keng lại càng khắc nghiệt. Ðấy là cách biểu lộ lòng thương yêu con cái của ông: ông muốn anh em Keng sau này phải kế tục được ông, vun đắp cho cao to thêm mãi phần gia tài do ông để lại chứ không thể ăn tàn phá hại đi. Keng còn phải vác ngược bừa, sợ răng bừa chạm đất, đã suốt ngày chài chãi ngoài đồng. Hết việc đồng đến việc nhà, bố Keng ốp Keng làm đến xâm tối mắt. Lâu dần thành quen, hễ không cất nhắc chân tay là không chịu được. Ngoài cái hứng thú trong công việc làm ăn ra, anh chẳng còn hứng thú nào khác. Anh cũng chẳng cần phải lo lắng gì: ngay cả tương lai của anh, bố anh cũng đã xếp đặt sẵn cho cả rồi... Anh sống, vừa cằn cỗi như một cụ già, vừa ngây thơ như một trẻ nhỏ.
Vào hợp tác xã, Keng đứng đầu bảng lao động hạng A. Việc gì khó khăn, nặng nhọc hợp tác cũng gọi đến anh. Rồi phong trào chung lôi anh vào cuộc họp hành, học tập, tranh cãi...
- Nay họp. Mai họp. Ðể rồi xem có được thêm công điểm họp nào không? - Bố Keng cằn nhằn.
- Người ta họp kiểm điểm ông đội trưởng xui vợ tưới nước vào phân mà lại không đi à! - Keng trả lời bố, cộc lốc.
- Dào, dễ không có mày, người ta không kiểm điểm được! - Ông Keng không ưa cái thói cãi lại, nghiến răng chì chiết. - Tao còn lạ gì chúng mày, chỉ giỏi đàn đúm, đàn đúm... Liệu mà giữ lấy thân đấy, con ạ, không ai nắm tay được đến tối, gối tay được đến sáng đâu!
Càng ngày Keng càng hay cưỡng lại bố. Anh không bằng lòng cái việc bố anh cứ đi hỏi hết đám này đến đám khác cho anh. Ðúng là anh phải lấy vợ rồi, nhưng vợ anh là "đứa nào" ở làng này nhỉ? Chính điều bí ẩn đó hấp dẫn anh, đem lại cho anh nỗi lo lắng và niềm say mê riêng, bố anh không thể nào hiểu thấu được.
Ở đầu xóm nhà Keng có cô Ngọ, đang tuổi dậy thì. Ngọ béo khỏe, lại khéo giữ nước da cứ hồng ửng lên và gặp ai cũng mủm mỉm cười, chẳng hiểu có ý gì. Ngọ hay diện quần lanh đen, áo sơ mi cổ cánh nhạn màu lòng tôm chật căng, trông phây phây. Keng biết bố anh không ưa gì cái vẻ màu mè của Ngọ nhưng chính vẻ màu mè ấy lại làm anh choáng ngợp. Anh vốn là người ít giao thiệp, thiếu từng trải, tình cảm bị đè nén, lòng dù khát khao nhưng chưa hề dám say mê một cái gì theo ý thích riêng, nay tình yêu bỗng cháy bùng lên... Một đêm, đi họp đội sản xuất về, Keng gặp Ngọ ở đầu xóm. May quá, chỉ có hai người. Keng bước vội lên, vấp một cái đau điếng, nhưng cũng chẳng hề gì. Anh liều hắng giọng, rồi khẽ gọi, giọng như người ngạt mũi:
- Ngọ ơi!
Ngọ dừng lại, ngơ ngác...
- Ðằng ấy... đi chơi với tớ cái đi!
- Bây giờ í?
- Khô... ông - Keng cuống lên, vì thực bụng Keng chưa dám nghĩ đến việc rủ Ngọ đi chơi ngay bây giờ.
- Mai nhá?
- ừ, mai... - Keng lắp bắp nhắc lại, như cái máy.
Ngày hôm sau, trời chưa kịp tối câu chuyện đã vỡ bung. Mấy cô gái trong xóm cứ trông thấy Keng là nhấm nháy nhau rồi vờ nói tướng lên:
- Này, đằng ấy đi chơi... ơi với tớ cái đi!
Keng nói chuyện thực, Ngọ lại đùa. Vì sao thế nhỉ? Keng ngẫm nghĩ mãi, cuối cùng anh thấy có nhẽ Ngọ đỏm dáng, còn anh cục mịch nên cô nàng không thích đi chơi với anh.
Vậy Keng phải may một bộ cánh. Việc này không thể cho bố biết được. Anh năn nỉ với mẹ, bà mẹ xiêu lòng, dúi cho anh mười lăm đồng, anh may một cái quần ka-ki và một chiếc áo sơ mi vải phin xanh Nam Ðịnh. Ðã may rồi thì phải mặc. Và bố anh làm ầm ĩ ngay lên:
- à, thằng này giỏi. Tao nuôi mày của chất cao hơn người, thử hỏi mày đã làm được cái gì báo đáp tao chưa mà tấp tểnh học đòi rồi phá của đấy hử?
Ông Keng nói ra nói vào suốt buổi chiều. Ðến tối, ông vẫn còn nói. Keng không cãi, chỉ lùi lũi trốn sang nhà bạn ngủ nhờ. Ông Keng lại càng điên máu. Bộ quần áo, dù sao Keng cũng đã may rồi, của vẫn còn đấy, thôi cũng cho là được đi. Nhưng con mà dám vượt quyền bố là không thể được. Vợ nuông con, vượt quyền chồng cũng không thể được. Bao nhiêu lời chì chiết, ông đổ cả lên đầu vợ.
Ông Keng nằm phản nhà ngoài. Bà vợ nằm trong buồng với thằng Chỉnh, cái Trình. Bà vợ nghe mệt quá đã ngủ từ lúc nào nhưng ông vẫn cứ dẫn dụ, quát nạt và lôi cả những chuyện từ hồi hai người mới lấy nhau ra mà kể lể. Hôm sau, bà cụ Tỵ bên hàng xóm gặp ai cũng líu lại, lắc đầu lè lưỡi kêu rằng đang đêm bà cụ choàng tỉnh dậy, thấy nhà ông Keng có tiếng người, đèn lại sáng, tưởng là trời sắp rạng, vội vàng quang gánh lên chợ huyện. Ðến nơi, chợ chẳng có ma nào, bà cụ ngồi gục dưới gốc đa, đánh một giấc dài...
Mỗi khi Keng diện bộ quần áo mới, Ngọ lại vờ đứng sững, nheo mắt nhìn anh và khen: "Bảnh quá nhỉ!". Keng để ý thấy cứ ngày chủ nhật lại có mấy thanh niên ở công trường về chơi nhà Ngọ. Họ diện quần tây, đi dép da, đeo đồng hồ. Keng cũng đã có một đôi dép lốp, mua từ lâu nhưng chẳng mấy khi đi nên còn mới nguyên. Anh chỉ kém cái đồng hồ đeo tay.
Vậy Keng lại phải mua một cái đồng hồ đeo tay. Lần này anh không xin mẹ nữa. Anh đi gánh gạch thuê, mặc bố mắng chửi, nhất định không đem tiền về nhà. Dành dụm ít lâu, rồi cũng mua được một cái đồng hồ cũ, mặt đã ố vàng, hai cái kim tróc cả mạ lân tinh. Có đồng hồ thì phải thạo xem giờ. Ðã có lần Ngọ hỏi giờ, anh trả lời nhầm, may mà cô ta không có đồng hồ nên không biết. Bấy giờ Keng mới thấy văn hóa mình kém quá. Bố anh có cho anh đi học mấy đâu: "Học lắm rồi nghiền chữ ra mà ăn à!" Ngọ đã học hết lớp bốn. Còn anh, trong chiến dịch bổ túc văn hóa năm ngoái mới chớm học lớp ba được dăm buổi. Phen này nhất định anh phải đi học...
Việc Keng đi học làm cho lớp bổ túc văn hóa vui vẻ hẳn lên. Số thanh niên tinh quái trong lớp từ lâu đã biết chuyện Keng và Ngọ liền xúm vào trêu anh. Keng không biết chối. Anh chỉ văng tục và đỏ mặt lên. Mọi người lại càng trêu anh tợn. Anh chạy chỗ mãi, nhưng chẳng chạy đâu cho thoát. Cuối cùng, chị cả Lạt nói:
- Anh Keng xuống ngồi đây với tôi nào!
- Keng ngồi chưa nóng chỗ, một thanh niên đã lại kêu lên.
Anh Keng ngồi với chị cả Lạt, trông đẹp đôi không kìa!
Chị cả Lạt chẳng phải tay vừa. Chị lấy chồng từ năm mười tám tuổi. Năm mười chín, chị đẻ đứa con giai, sau đó chồng mắc bệnh, ốm liền trong hai năm rồi chết. Chị làm quần quật, phụng dưỡng cha mẹ chồng, hầu hạ chồng, bú mớm cho con. Có những ngày ngắn ngủi, cơn bệnh lui đi, người khỏe khoắn ra, chồng chị yêu thương chị như người phát cuồng. Nhưng rồi chồng chị lại đổ ụp ngay xuống, rất nhanh chóng và ngày càng đuối dần đi. Còn chị thì cứ hơ hớ ra. Vô số trai làng, cả mấy ông trung niên đã có con gái lớn sắp đến tuổi gả chồng đua nhau quấy rầy chị: "Thấy cái hoa thơm, tội gì chẳng ghé mũi ngửi qua một tý!". Chồng chị nằm đó, bất lực, cứ ghen lồng lên. Thành thử, chị chịu khổ gấp đôi.
Sau khi con lớn, chị thường hay về nhà mẹ đẻ ở, cả làng đều đinh ninh chỉ ngày một ngày hai là chị đi lấy chồng khác. Nhưng đã ngót bốn năm qua, chị vẫn chẳng lấy ai, mặc dầu những chàng trai lượn quanh chị còn đông hơn trước gấp bội. ấy là vì chị sợ. Cái hạnh phúc của chị, nó ngắn ngủi quá và tàn nhẫn quá. Và do đó khát vọng về hạnh phúc của chị trở nên to lớn quá. Chị muốn người chồng sau của chị phải là người có thể bù đắp lại cho chị tất cả những gì chị đã phải chịu thiệt thòi. Chị tiến đến gần người này, rồi người khác, ngẫm nghĩ về họ và lại lùi ra xa... Người ta bắt đầu bàn tán. Có người vì không được yêu xoay ra hằn học, có người vì ghét, cũng có người chỉ là rỗi mồm nói cho vui chuyện. Ðại để, toàn những điều ong tiếng ve, chẳng hay ho gì. Ban đầu, chị hết sức buồn bực, đau khổ, nhìn ai cũng như thù địch. Sau rồi cũng quen đi, gác ngoài lỗ tai tất, có đôi lúc còn lấy thế làm vui vẻ và để đối lại những lời trêu chọc chị chỉ cười tràn.
Khi mấy anh chàng tinh quái trong lớp học gán ghép chị với anh Keng, chị cho là chuyện hết sức nhảm. Chị quay phắt về phía bọn họ, lớn tiếng nói, nửa đùa nửa tức giận:
- Bận gì đến các chú đấy? Các chú không được như người ta, các chú ghen à?
Bọn thanh niên cười ầm lên, lại càng buộc chặt hai người vào. Keng không thể chịu đựng được, phát khùng với mọi người và bảo chị cả Lạt:
- Còn nhà chị ấy, vừa vừa cái mồm chứ. Nhà chị là người đứng đắn...
Chị cả Lạt tái mặt đi vì bất ngờ. Nào đã mấy ai, trong những lúc đùa cợt lại bảo chị là người đứng đắn. Nhưng Keng nói thật hay nói mỉa mai? Chẳng lẽ Keng cũng biết mỉa mai?
Từ đấy, cứ ngấm ngầm một mình, càng ngày chị càng chú ý đến Keng.
Một hôm, hợp tác xã họp, cử Keng đánh một chiếc xe bò lên huyện chở phốt phát, cùng với hai người nữa. Chị cả Lạt nghĩ: "Hay mình thử đi một chuyến xem anh ta cầm càng như thế nào!" Liền rủ bà Thủy ngồi cạnh giơ tay xin đi.
Từ làng lên huyện xa tám cây số. Ði đã được quá nửa đường. Keng vẫn không chịu nghỉ, cứ lùi lũi, chẳng hề mở miệng. Bà Thủy đẩy xe phía sau, cùng với Lạt, cũng chẳng nói năng gì, chỉ ra công nhai trầu và nhổ toèn toẹt. Vừa nắng vừa mệt, Lạt đâm ra buồn. Tự nhiên chị lại nhớ không khí lớp bổ túc văn hóa, với những lời đùa cợt, gán ghép vô tư, đôi khi hơi sỗ sàng của bọn thanh niên. Nghĩ cho cùng, thế mà hóa ra vui. Lạt thèm có một cái gì cũng vui vui, tương tự như thế...
- Bác Thủy ơi, bác có chuyện gì vui vui kể đi nào!
- Tôi thì làm gì có chuyện vui - Bà Thủy đáp bằng một giọng uể oải - Già rồi! Bảo anh Keng ấy, anh ấy đang trai...
- Khỉ cái bà này. Cứ phải đang trai mới vui!
Lạt phát mạnh vào lưng bà Thủy, tiện đà đẩy cái xe bò lên một cái mạnh. Chiếc xe chồm tới, ván xe rung bần bật, dúi Keng về phía trước làm anh nhỡ bước, suýt ngã chúi. Keng chỉ khẽ gắt: "Dửng mỡ vừa vừa chứ!". Anh không bắt chuyện. Cũng không dám quay lại, sợ hai người đàn bà trông thấy mặt mình đang đỏ bừng lên.
- Thôi, không ai nói chuyện gì thì tôi ngủ vậy đây!
Lạt ghìm xe, nhảy lên, nằm nép vào một phía để tránh ánh nắng, chân co lại, chiếc nón lá che kín mặt và ngực. Hai càng xe trong tay Keng trĩu ngay xuống. Anh nghĩ bụng: "Cái nhà chị này thế mà nặng". Nhưng chính lúc đó, không hiểu sao anh lại thấy cái xe nhẹ tênh, kéo cứ đi băng băng.
Lạt không ngủ. Ngủ làm sao được. Chị nhỏm dậy, nhảy xuống đất:
- Bác Thủy ơi, hay là bác kể chuyện buồn cũng được. Chuyện nào buồn nhất ấy!
- Chuyện buồn thì có đấy. Dưng mà cả xóm biết cả rồi, việc gì phải kể!
- Chuyện gì thế bác? - Lạt chột dạ, vội hỏi lại.
- à, chuyện ông đội Lung!
- Thôi đi, đừng nói đến ông Lung nữa, ngứa cả ruột! - Ðột nhiên Keng quay lại, gạt đi bằng một giọng hằn học.




* Trang chủ